Nhân dịp rằm tháng 7 – Vu Lan và ngày hội rước đèn Trung Thu Tháng 8 sắp đến, Thực Phẩm Nhanh xin gửi đến cả nhà cách món nấu chè trôi nước ngũ sắc độc đáo. Bí quyết nấu chè trôi nước lần này vừa mang hương vị thơm ngon dẻo ngọt mà còn có màu sắc rất chi là lạ mắt, mọi người hãy cùng tham khảo nhé!
1. Ý nghĩa món “Chè Đoàn Viên”
Chè trôi nước mang một ý nghĩa rất đặc biệt, luôn xuất hiện trong các dịp lễ tết quan trọng. Chè tượng trưng cho sự gắn kết sum vầy, hưng thịnh của một gia đình, sự “tròn trịa” hạnh phúc của tình nghĩa keo sơn ấm áp. Đa phần trong mọi mâm cúng đều chọn chè trôi nước là món ăn để dâng lên cúng ông bà tổ tiên trong những ngày rằm, lễ tết quan trọng.
2. Nguyên liệu chuẩn bị
- 500g bột nếp
- 100g khoai lang vàng
- 50g khoai lang sữa
- 50g khoai lang tím
- 1 quả gấc
- 300g đậu xanh tách vỏ
- 120g đường (làm nhân)
- 600g đường phèn
- 150g đường cát
- 1,3 lít nước cốt dừa loại đóng lon
- 20g bột gạo
- 10g bột năng
- 10g muối
- 1 bó lá dứa
- 1g lá cẩm
- 1 ít mè rang
- 1 củ gừng
- 1 ít dầu ăn
- Dụng cụ: Tô, dĩa, bao tay nilon, rây lọc.
3. Các bước nấu chè trôi nước ngũ sắc
Bước 1: Sên và tạo hình nhân bánh
– Lấy 300 đậu xanh đã tách vỏ ngâm trong nước thời gian ước chừng khoảng từ 1- 2 tiếng để đậu được mềm. Sau đó, đổ đậu vào nồi châm thêm nước, đổ đến qua mặt đậu rồi bật lửa đun sôi nấu chín. Quan sát thấy đậu chín mềm, bạn dùng đũa khuấy mạnh để đậu thật mịn màng rồi tiến hành sên đậu xanh.
(*) Cách sên nhân bánh như sau: Dùng 1 cái chảo đổ vào 6 muỗng canh đường, 1 muỗng cà phê muối và 4 muỗng canh nước cốt dừa trộn cùng với phần đậu xanh đã nghiền mịn hồi nãy, liên tục khuấy đều để đậu sệt lại và không dính tay nữa thì tắt bếp rồi để nguội.
– Phần nhân đậu khi đã nguội dùng tay vo tròn thành từng viên, ước chừng như quả tắc là đẹp.
>> Tham khảo: Chất lượng đậu xanh không vỏ tại Thực Phẩm Nhanh
Bước 2: Tạo màu vỏ bánh
+ Lớp vỏ màu vàng, các bạn dùng khoai lang vàng để tạo màu. Nếu bạn thích mùi nghệ có thể thay thế bằng bột nghệ để dùng làm màu vàng cho lớp vỏ. Ở đây Thực Phẩm Nhanh dùng khoai lang vàng để có mùi vị thơm ngon dẻo ngọt. Khoai lang gọt vỏ cắt thành khoanh rồi đem đi hấp. Sau khi khoai chín mềm, thì bạn lấy ra và dùng chày hoặc nĩa tán nhuyễn mịn từng loại khoai.
+ Lớp vỏ màu xanh lá, cả nhà có thể dùng bột matcha trà xanh pha nước hoặc sử dụng lá dứa tươi. Với lá dứa rửa sạch, cắt từng khúc nhỏ rồi xay nhuyễn với 150ml nước, lược kỹ qua rây lấy phần nước cốt này để tạo màu xanh tự nhiên cho vỏ bánh.
+ Lớp vỏ màu đỏ cam, chúng ta sử dụng trái gấc để lấy màu. Bạn đeo bao tay và lấy thịt quả gấc. Sau đó, dùng tay bóp nát thịt cùng với 1 ít dầu ăn hoặc dùng máy xay xay nhuyễn mịn.
+ Lớp vỏ màu tím, các bạn dùng lá cẩm tươi đem rửa sạch, xay nhuyễn lấy nước cốt màu. Song song đó 50g khoai tím đem rửa sạch, cắt thành khoanh đem đi hấp và nghiền nhuyễn như khoai lang vàng.
+ Lớp vỏ màu trắng, các bạn muốn tăng thêm độ dẻo của vỏ nên hấp 50g khoai trắng, khi khoai chín thì nghiền tán nhỏ.
>> Mua sắm giá tốt tại Thực Phẩm Nhanh: Các loại bột nấu chè
Bước 3: Làm vỏ bánh
Chia 500g bột nếp thành 5 phần bột bằng nhau.
– Bắt đầu với vỏ bánh trắng, cho vào tô 100g bột nếp, 50g khoai lang trắng, 50-60ml nước ấm và 1 ít muối. Bạn dùng tay trộn đều và nhào bột đến khi bột tạo thành khối dẻo mịn là được.
– Màu vàng lấy 50g phần khoai lang vàng đã tán nhuyễn trộn đều với 100g bột nếp, 50-60ml nước ấm và 1 ít muối giống tỷ lệ như trên.
– Màu xanh lá lấy 100g bột nếp trộn chung với 50g khoai lang trắng, 50-60ml nước ấm và 1 ít muối. Bạn dùng tay trộn đều rồi cho từ từ nước lá dứa vào đến (khoảng 10ml), rồi nhào thành khối dẻo mịn.
– Màu tím, lấy nước cốt lá cẩm khoảng chừng 10ml pha với 100g bột nếp với 50g khoai tím đã tán nhuyễn cùng 50-60ml nước ấm và 1 ít muối.
– Màu đỏ cam, phần khoai lang vàng 50g còn lại trộn chung với phần thịt gấc đã xay nhuyễn, cũng công thức trên 50-60ml nước ấm và 1 ít muối.
(*) Lưu ý: Phần bột nếp khi pha với nước các bạn cảm nhận độ đàn hồi của bột có thể kéo dài là công thức pha bột đã chuẩn rồi nhé.
Bước 4: Nặn bánh
Vỏ bánh khi nặn nên dùng bột nhiều hơn nhân bánh, để giữ lớp vỏ chắc dày nhân bánh trôi khi đun nấu không bị trồi nhân ra ngoài. Đây là công đoạn cần sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi bàn tay.
Bước 5: Luộc bánh
Đun sôi 1 nồi nước lớn. Nhớ kỹ phải chờ nước sôi to mới thả từ từ từng viên chè vào, sau 15 phút các viên chè trôi nước chín sẽ nổi trên mặt nước. Bạn vớt chè ra rồi đem ngâm trong nước lạnh khoảng 5 phút để viên chè dai ngon, không bị cứng. Sau đó, bạn vớt ra và để ráo.
Bước 6: Chế biến nước đường gừng
Nước chè ngon ngọt là phần rất quan trọng, rửa sạch gừng, gọt bỏ vỏ, thái lát mỏng hoặc cắt sợi tùy ý. Tiếp theo, bạn đun sôi khoảng 2 lít nước, rồi cho vào 600g đường phèn, gừng cắt lát và 1 ít lá dứa. Khi đường phèn tan hết, bạn cho phần chè trôi nước đã để ráo vào và nấu thêm khoảng 5 phút nữa.
>> Đọc tiếp: Gợi ý các món ăn cúng trong Rằm Tháng 7 – Lễ Vu Lan hằng năm
– Đối với nước cốt dừa ăn kèm, các bạn chế biến theo công thức 1 lít nước dão dừa (nước cốt dừa lon đem pha loãng với nước), 150g đường cát, 20g bột gạo, 10g bột năng và 1 ít muối. Khuấy đều cho hỗn hợp tan rồi bắt lên bếp và mở lửa vừa. Sau khi hỗn hợp đã sôi, cho 300ml nước cốt dừa vào. Bạn khuấy đều đến khi hỗn hợp sôi nhẹ trở lại thì tắt bếp.
Cuối cùng, Bành biện chè theo 5 viên ngũ sắc cho 1 ít nước cốt dừa vào, rắc vài hạt mè rang lên trên bề mặt viên chè rồi thưởng thức.
Hy vọng qua bài viết cách nấu chè trôi nước ngũ sắc độc đáo cả nhà đã biết cách nấu chè trôi thơm dai dẻo ngọt mà không lo bị cứng rồi nhé, nào hãy cùng nhau bắt tay làm ngay đi ạ! Thực Phẩm Nhanh mãi luôn là người đồng hành mang đến cho bạn và gia đình những bữa ăn ngon.